Để động viên Quảng Ninh vượt qua sau bão số 3, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ngày 8/10, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đã đến thăm, làm việc với Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.
Đón và đi cùng đoàn công tác Phó Thủ tướng, về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đoàn công tác, theo lãnh đạo Tập đoàn Thành Công, sau 2 năm xây dựng, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng hiện đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục xây dựng cuối cùng, đã sẵn sàng để đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 36,5ha; công suất 120.000 xe/năm; thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu vận hành, nhà máy sẽ lắp ráp những chiếc ô tô Skoda đầu tiên các phân khúc SUV và Sedan hạng B phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện nay của người Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, nhà máy sẽ mở rộng sang các dòng xe điện thân thiện với môi trường. Đây cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh, một trong những sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mới của tỉnh.
Nhà máy nằm trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng được đầu tư trên tổng quy mô 400ha tại KCN Việt Hưng. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho cả giao thương nội địa và quốc tế với chuỗi cung ứng kết nối hàng chục nhà máy sản xuất, trong đó có lắp ráp ô tô, sản xuất pin và động cơ, phụ trợ, cảng và dịch vụ…
Đây có thể coi là dự án tiêu biểu cho bàn tay và trí tuệ của người Việt, với tầm nhìn xa, quy hoạch bài bản, đầu tư hiện đại, đạt chất lượng phục vụ các dự án quốc tế, sẵn sàng năng lực để sản xuất các mẫu xe mới trong tương lai, hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn của đất nước.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công đề xuất: Ngành công nghiệp ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, cạnh tranh quốc tế và đòi hỏi đầu tư lớn, để Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng sớm phát huy hiệu quả, hiện chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục đầu tư theo kế hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư các đối tác công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và tiến tới làm chủ công nghệ chính. Trên cơ sở đó, mong muốn Chính phủ có các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù cho các khu công nghệ cao, hoặc khu kinh tế để cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp ô tô khác và có cơ hội phát triển.
Sau khi trực tiếp đi tham quan, nghe báo cáo từ tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá rất cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục sau bão, sớm tái khởi động các hoạt động sản xuất, nhất là các ngành, lĩnh vực đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế, kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Đồng chí cũng biểu dương tinh thần đồng hành của Tập đoàn Thành Công, đã sớm nắm bắt cơ hội, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai các kế hoạch đầu tư; nỗ lực hoàn thành sớm dự án Nhà máy ô tô để đưa vào vận hành. Nhà máy sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; phù hợp với định hướng của Chính phủ trong mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô; đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô – ngành công nghiệp tổng hợp của rất nhiều ngành công nghiệp khác như: Cơ khí, điện tử, tự động hóa…, Chính phủ đã thay đổi quan điểm, thay vì đặt ra các tiêu chí nội địa hóa không sát thực tế thì nay đã điều chỉnh theo hướng phát triển công nghiệp ô tô phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu; phân công và hợp tác để cùng sản xuất.
Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị Tập đoàn Thành Công tiếp tục tiếp cận với công nghệ sản xuất ô tô mới theo hướng xanh, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Huy động thêm các doanh nghiệp sản xuất linh kiện hoạt động trong tổ hợp này, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia chuỗi giá trị. Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô, nâng cao chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế để đóng góp vào tăng trưởng của địa phương và quốc gia.